Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Tăng tuổi nghỉ hưu để thích ứng với già hóa dân số

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tính toán đưa đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Lao động để lấy ý kiến, trước khi trình Chính phủ vào năm 2017.
Ngày 21/9, tại Hội nghị đánh giá 3 năm thi hành Luật Lao động năm 2012, Thứ trưởng Bộ Lao động Phạm Minh Huân cho biết đang lấy ý kiến điều chỉnh nhiều nội dung trong dự thảo sửa đổi, bổ sung bộ luật này để trình Chính phủ vào đầu năm 2017.

tăng tuổi nghỉ hươu


Trong đó có cân nhắc điều chỉnh điều 187, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và tính đến chuyện "dài hơi" cân đối giữa đóng và hưởng lương hưu.
Theo ông Huân, phương án tăng tuổi hưu của nữ lên 58 và nam lên 62 từng được trình Quốc hội trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nhưng không được thông qua. Vì vậy, nếu lần này đưa ra vấn đề trên thì phải tính toán kỹ, hoàn thiện các phương án rồi mới trình, trường hợp tăng tuổi hưu thì sẽ có lộ trình cụ thể và thực hiện từng bước. Trong đó tính đến phân loại nhóm ngành nghề khác nhau thì tuổi nghỉ hưu khác nhau, như nghề độc hại và nghề tương đối nhẹ nhàng; xem xét nghỉ hưu cùng một độ tuổi để đảm bảo bình đẳng giữa nam và nữ.

tăng tuổi nghỉ hươu


"Tăng tuổi nghỉ hưu và già hóa dân số là câu chuyện chung của nhiều quốc gia hiện nay chứ không phải riêng Việt Nam", ông nói và cho biết, đặc thù của dân số nước ta là đan xen giữa quá trình già hóa và thời kỳ dân số vàng. Điều này đặt ra cho nhà nước 3 vấn đề cần giải quyết tốt là tận dụng nguồn nhân lực, đảm bảo công ăn việc làm và giữ an toàn quỹ lương hưu.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm giải thích: "Điều khác biệt rõ nét được nhiều chuyên gia đã đúc kết đó là: Đối với các nước, giàu rồi mới già, còn Việt Nam là già trước khi giàu. Ở đây có sự khác biệt rất lớn. Điều đó đặt ra cho chúng ta rất nhiều thách thức, đặc biệt vấn đề an sinh, dịch vụ xã hội để đảm bảo chăm sóc cho người cao tuổi." 

Trả lời ý kiến lo ngại tăng tuổi nghỉ hưu có thể khiến nhiều người "tham quyền cố vị", gây ảnh hưởng đến cơ hội của người trẻ, ông Huân cho rằng phải mở rộng thị trường, phát triển doanh nghiệp tạo nhiều việc làm hơn để giải quyết vấn đề này. 
Theo ông Phạm Minh Huân, để giải quyết vấn đề này, cần phát triển mở rộng thị trường để người lao động có nhiều cơ hội việc làm hơn. Mặt khác, cần xây dựng quá trình nâng tuổi hưu từ từ, giải quyết đầu vào của việc làm. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần cân đối Quỹ BHXH, bởi kinh nghiệm nhiều nước cho thấy áp lực chính là quá trình đóng BHXH. Khi tuổi thọ tăng, thời gian hưởng dài ra, nếu không tăng mức đóng BHXH sẽ phải kéo dài thời gian đóng lên, thời gian hưởng lương hưu sẽ ít đi. Đây là biện pháp cân đối Quỹ hiệu quả bởi bản thân người lao động đóng bao nhiêu sẽ được hưởng bấy nhiêu, không ai phải bù cho ai; đồng thời có sự chia sẻ của thế hệ trước và thế hệ sau- người đang làm việc và người nghỉ hưu.

tăng tuổi nghỉ hươu


Hiện tuổi nghỉ hưu là nam đủ 60 và nữ đủ 55. Những trường hợp làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... được nghỉ trước thời hạn.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dân số Việt Nam với tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh từ 6,9% năm 1979; 7,2% năm 1989; 8,1% năm 1999; 9% năm 2009 và hiện nay là hơn 10,5%. Dự báo đến 2030, cứ 6 người Việt Nam có 1 người cao tuổi. Nếu tiếp tục như vậy thì 50 năm nữa, 4 người Việt Nam có 1 người cao tuổi.
Ngày 31/10, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật lao động năm 2012 sẽ được công bố để lấy ý kiến, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3, tháng 5/2017 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017. 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét